Hỗ trợ trực tuyến

  Mr Luyện

Hotline :

0903734429

Thống kê truy cập

Đang Online: 1
Truy cập tuần : 371
Truy cập tháng : 1243
Tổng : 193989

Nắng nóng, nhiều loại bệnh nguy hiểm tấn công trẻ em

30-03-2019
Khu vực Nam Bộ đang bước vào cao điểm nắng nóng, thời tiết cực đoan phát sinh nhiều loại bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho con em mình, tránh những tác động do nắng nóng gây ra.

Bệnh hô hấp tăng cao

Bế đứa cháu mới được gần 1 tuổi trên tay, bà Nguyễn Thị H. (52 tuổi, ngụ tại Đức Hòa, Long An) cho biết: “Tuần trước khi đi gia đình đưa bé đến nhà người thân trở về vào buổi trưa khi trời đang nắng nóng, buổi tối cháu bắt đầu có biểu hiện mệt, ho rồi chuyển sang sốt nhẹ. Mẹ cháu đưa đến bác sĩ tư khám và điều trị nhưng không khỏi mà bệnh mỗi ngày một nặng nên gia đình đưa lên Nhi Đồng 1 thăm khám, bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi nặng”.

ho hap.jpg
Trẻ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1

BS-CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: “Thời tiết tại TPHCM và các tỉnh lân cận đang ở mức 38 đến 390C, chỉ số UV là 10 đến 11 (rất cao). Trẻ nhỏ, cơ thể còn yếu nên chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết nắng nóng trong đó có các rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, hoạt động của tim phổi nhiều hơn khiến bé dễ mệt và kiệt sức, hệ miễn dịch sẽ bị giảm nên khả năng chống chọi với vi khuẩn cũng giảm theo”.

Hô hấp là bệnh đang khiến rất nhiều trẻ phải nhập viện, theo thống kê sở bộ tại bệnh viện trung bình mỗi ngày có khoảng 50 trẻ bị các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản phải nhập viện điều trị. Khai thác bệnh sử ở nhóm trẻ bệnh nặng ghi nhận ở giai đoạn các bé bị sốt ho nhẹ gia đình không đưa đi kiểm tra, điều trị sớm nên diễn tiến qua viêm hô hấp dưới, nhiều bé bị suy hô hấp nặng.   

Bệnh tiêu hóa tấn công trẻ

Thời tiết nắng nóng đang tạo điều kiện thuận lợi cho những loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh. Thức ăn dễ ôi thiu, biến chất là một trong những nguyên nhân chính khiến cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu. Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 30 trẻ bị các bệnh liên quan đến tiêu hóa phải nhập viện điều trị số bệnh nhi bị tiêu hóa tăng cao gấp nhiều lần so với những thời điểm khác trong năm.

nang nong (3).JPG
Nắng nóng gia tăng nhiều loại bệnh nguy hiểm ở nhóm trẻ nhỏ

Ngồi bên giường bệnh nhìn con trai 7 tuổi đang lừ đừ vì tiêu chảy cấp hành hạ, chị Trần Thị L. (38 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận) cho hay: “Chiều hôm đó bé đi học về thấy nửa chiếc bánh mì kẹp thịt ở trên bàn nên lấy ăn. Đó là bánh, buổi sáng ba của bé để phần nhưng tôi quên không dùng. Buổi tối con bắt đầu than đau bụng rồi đi cầu phân lỏng, ngày hôm sau bé bị tiêu chảy gần chục lần, tôi mua thuốc cho uống nhưng vẫn không đỡ nên phải nhập viện”.

Cảnh giác bệnh tay chân miệng vào mùa

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tại TPHCM từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 450 trẻ mắc bệnh tay chân miêng phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đang có dấu hiệu gia tăng với gần 40 ca bệnh được ghi nhận trong tuần qua.

nang nong (4).JPG
Nắng nóng gia tăng nhiều loại bệnh nguy hiểm ở nhóm trẻ nhỏ

 

Thông tin từ BS Phạm Văn Hoàng cho biết, tại Nhi Đồng 1 số trẻ ở TPHCM và trẻ chuyển đến từ các tỉnh thành lân cận được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng đang ở mức cao. Thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng theo chu kỳ lần thứ nhất trong năm sau đó có thể giảm rồi tiếp tục tăng lại ở chu kỳ 2 vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Phụ huynh cần chủ động các giải pháp phòng bệnh cũng như trang bị những kiến thức về bệnh lý tay chân miệng để kịp thời phát hiện bệnh, đưa trẻ đi khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bỏng da do tia cực tím

Da của trẻ nhỏ rất dễ bị tác động bởi bức xạ tia cực tím, những ngày nắng nóng vừa qua chỉ số tia UV ở mức rất cao (10 đến 11) sẽ gây nguy hại cho làn da. Bác sĩ cảnh báo, thời điểm từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều là lúc bức xạ tia cực tím ở mức đỉnh điểm. Nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng ở thời gian này khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của bé, lâu dài có thể gây ung thư da.

nang nong (1).JPG

Trẻ cần được bảo vệ để tránh tác động tiêu cực do nắng nóng gây ra

Nguy hiểm hơn, những tổn thương trên hệ miễn dịch do nắng nóng có thể xảy ra trước tổn thương da, khiến sức đề kháng giảm tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể còn yếu ớt của trẻ. Nếu bất đắc dĩ phải đi ngoài thời tiết nắng nóng, phụ huynh cần chủ động các biện pháp bảo vệ trẻ như: mang nón rộng vành, mang kính, khẩu trang, mặc quần áo dài tay… có thể giảm 60% đến 70% tia cực tím. Ngay cả những trẻ ngồi trong xe hơi cũng cần có biện pháp bảo vệ vì tia UV có thể xuyên qua kính tác động trực tiếp lên da.

Những ảnh hưởng nguy hại khác

Ngoài ra, bác sĩ còn cảnh báo nguy cơ trẻ bị tổn thương mắt do tia cực tím ảnh hưởng đến thị lực, lâu dài có thể tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể. Nắng ban ngày và nóng ban đêm sẽ có nhiều trẻ thường xuyên nằm máy lạnh ở nhiệt độ thấp khi phải ra khỏi phòng dễ bị sốc nhiệt; Nhiều phụ huynh không cho con ra ngoài trời tiếp xúc với ánh năng ngay cả những thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu vitamin D.

nang nong (2).JPG
Không gian bệnh viện trở nên chật chội khi bệnh tật gia tăng

Bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy hiểm cho trẻ trong giai đoạn thời tiết nguy hiểm, phụ huynh cần: cho trẻ ăn đủ chất, tăng cường rau củ quả; bảo quản thức ăn cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh; không sử dụng thực phẩm cũ, đã biến chất; cho trẻ ngủ đủ giấc; hạn chế đi lại trong thời tiết nắng nóng; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với những vật thể bị nhiễm bẩn; khi trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh không nên tự ý điều trị mà cần theo dõi triệu chứng, đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị.

Vân Sơn

Nguồn: Dân Trí